Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2008

Pixar Animtion Studio

Pixar - vẽ hoạt hình công nghệ cao


Chiếc đèn bàn nô đùa với quả bóng cao su một cách thích thú. Chú nhún nhảy trên quả bóng làm cho nó xẹp. Chiếc đèn "cha" tưởng chú sẽ thôi chạy nhảy nhưng rồi "cậu nhóc" lôi ra một quả bóng khác, to gấp mười lần.

Đó chính là nội dung của "Luxo Jr" - bộ phim hoạt hình ngắn đầu tiên của Pixar, được đề cử giải Oscar cho Phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất năm 1987. Trước đó ba năm, 1984 là cột mốc của John Lasseter - người sáng lập của Pixar sau này, khi ông rời bỏ Walt Disney để tham gia vào một chi nhánh chuyên thực hiện đồ họa máy tính trực thuộc LucasFilm - hãng nổi tiếng với bộ phim "Chiến tranh các vì sao". Hai năm sau, công ty máy tính Apple đã mua chi nhánh này và chuyển nó sang hoạt động độc lập, lấy tên là Pixar. Lasseter trở thành giám đốc sản xuất cùng với Ed Catmull - người đã lãnh đạo chi nhánh từ năm 1979. Khi mới ra đời, Pixar chỉ có 44 nhân viên và chủ yếu liên quan đến những thí nghiệm kĩ thuật, cả phần cứng lẫn phần mềm máy tính nhưng không vì thế mà cho rằng sự thành công vượt bậc của Pixar sau này chỉ nhờ may mắn.

Ngay từ ban đầu, Pixar đã có một kế hoạch lâu dài. Đầu tiên là những phim ngắn vài ba phút rồi những đoạn phim quảng cáo, bước tiếp theo sẽ là những chương trình độ nửa tiếng trên truyền hình và cuối cùng là những bộ phim dài. Có nhiều lí do cho sự khởi đầu chậm rãi của Pixar: đầu tiên là tài chinh, tiếp theo là công nghệ máy tính lúc bấy giờ chưa phát triển, cần phải có thời gian để xây dựng kĩ thuật hoạt hình cao cấp hơn. "Chúng tôi đã từng phải làm phim quảng cáo, bởi hai lí do" - Ed Catmull nói "Một, sẽ không đủ tiền chiêu mộ nhân tài nếu chỉ làm phim ngắn, bởi chúng không mang lại lợi nhuận. Khi làm phim quảng cáo, chúng tôi vừa có thể đảm bảo vấn đề tài chính vừa có thể đánh giá tài năng của nhân viên. Thứ hai, chúng tôi muốn đặt mình dưới áp lực và thử thách để tự mài dũa bản thân". Những đoạn phim quảng cáo mang lại lợi nhuận, cùng với những bộ phim ngắn mang về danh tiếng đã giúp cho Pixar tạo được một thế đứng vững chắc trong ngành công nghiệp phim ảnh tại Mỹ.

Nhờ những bước tiến nhanh vào dài của mình, Pixar đã nhận được lời mời thú vị từ hãng Walt Disney - "chủ cũ" của John Lasseter, vào năm 1995. "Hãng Disney gọi điện, mời chúng tôi thực hiện một bộ phim hoạt hình dài" Catmull kể lại "Lúc đầu, tôi nghĩ làm thế không theo kế hoạch, bởi chúng tôi cần làm chương trình truyền hình trước đã ... Nhưng rồi, chỉ trong vài phần triệu giây suy nghĩ, chúng tôi đã quyết định chấp nhận lời mời ! ". Bộ phim "Câu chuyện đồ chơi" được ra đời. Bộ phim mang về hơn 192 triệu đô la tiền vé trong nước và 358 triệu đô la ngoài nước Mỹ, đồng thời được hai đề cử Quả Cầu Vàng và nhiều đề cử Oscar khác bao gồm giải "Kịch bản trực tiếp lên phim xuất sắc nhất" . "Câu chuyện đồ chơi" với những nhân vật bằng nhựa, gỗ, chau chuốt kĩ lưỡng được hình thành không chỉ trong một đêm, đó là kết quả của hơn chín năm tích lũy thành tụy kĩ thuật cùng với sự làm việc cần cù và sáng tạo không ngừng. Pete Docter, chủ nhiệm xưởng vẽ phát biểu: " Một trong những lí do tôi yêu thích công việc ở Pixar là cách kể chuyện và truyền đạt cảm xúc trong từng bộ phim. Tôi nghĩ "Câu chuyện đồ chơi" thành công bởi ý tưởng mà chúng tôi chọn, phần lớn chúng ta đều có khi còn là một đứa trẻ: những đồ chơi trở nên "sống động" khi không có ai chú ý ... "

Sau những gì thu được từ "Câu chuyện đồ chơi", rõ ràng công thức thành công đã được khám phá, sự hợp tác giữa Pixar và Walt Disney được tiếp tục. Đến năm 1998, "Đời con bọ" được công chiếu, vượt qua mọi kỉ lục về tiền bán vé trong lễ Phục Sinh ở Mỹ. Cũng năm ấy, Pixar ra mắt bộ phim hoạt hình ngắn "Trò chơi của Geri", đánh dấu bước tiến mới trong công nghệ thể hiện da và quần áo trên những nhân vật ba chiều. Đồng thời bộ phim cũng giành được giải Oscar cho "Phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất". Năm 1999, Pixar và Disney ra mắt "Câu chuyện đồ chơi" phần 2 - bộ phim đầu tiên trong lịch sử hoàn toàn đều được số hóa từ khâu vẽ, hiệu chỉnh, đến chiếu bóng. Đây cũng là lần đầu tiên một bộ phim phần hai có doanh thu cao hơn phần đầu. Năm 2001, khi bộ phim "Công ty liên hiệp quái vật" được trình chiếu, một lần nữa lại phá kỉ lục khi doanh thu vươn tới con số 100 triệu đô la tại Mỹ chỉ trong vòng 9 ngày, nhanh hơn bất kì bộ phim hoạt hình nào trong lịch sử. Tháng 5 -2003, khi đã trở thành một công ty với hơn 600 nhân viên, Pixar tiếp tục mang đến cho khán giả một bộ phim khác dựng trên máy tính: "Truy tìm Nemo". Bộ phim được các nhà phê bình đánh giá cao về nội dung và phong cách thể hiện đột phá.

Đi sâu vào tìm hiểu những công nghệ xây dựng nên nền tảng cho những bộ phim của Pixar, người ta nhận thấy ngay từ ban đầu công ty đã sở hữu nhiều công nghệ cao cấp trong lĩnh vực máy tính và hoạt hình. Tuy vậy, Pixar vẫn tiếp tục nâng cấp lên những tầng cao mới. Bộ phận kĩ thuật của Pixar không chỉ phát triển phần mềm hoạt hình ba chiều với tên gọi Marionette mà còn tạo ra hệ thống sản xuất theo hướng dẫn của máy tính (CAPS) và phần mềm dựng hình RenderMan. Về sau còn thêm cả Fizt, một chương trình xử lí các hiệu ứng vật lí như lông và tóc cho các nhân vật trong phim. Để giúp cho đội ngũ sáng tạo tạo ra những hiệu ứng đầy ấn tượng, Pixar còn phải sử dụng một hệ thống máy tính đồ sộ. Theo lời Docter " Mọi người đều muốn xem chúng tôi sử dụng những thứ gì ? Nhưng tôi nghĩ Pixar là một công ty rất sáng tạo. Chúng tôi sẽ quyết định sử dụng gì dựa trên những điều chúng tôi cần phải thể hiện. Chẳng hạn, khi cần thể hiện lông trên nhân vật, không có phần mềm nào làm được chuyện đó cả, chúng tôi phải tự thiết kế phần mềm ... Vấn đề không phải là công nghệ mà là công nghệ đó phục vụ cho phim như thế nào "

Dưới đây là quá trình thực hiện một bộ phim hoạt hình:


Hình 1
Bảng truyện.

Hơn 4000 bảng truyện được tạo ra để chỉ dẫn cho hành động và lời thoại trong phim. Chúng được xem xét và sửa lại nhiều lần bởi đội ngũ sáng tạo viên.

Hình 2
Lồng tiếng.

Các diễn viên sẽ dựa vào kịch bản để lồng tiếng cho nhân vật của mình. Về sau sẽ được đồng bộ với những hình ảnh trên phim.

Hình 3
Tạo mẫu.

Phần mềm Marionette được sử dụng để tạo ra những mẫu nhân vật và khuôn cảnh ba chiều. Những mẫu này thể hiện hình dáng nhân vật cũng như những cử động và cảm xúc mà nhân vật có thể diễn đạt được.

Hình 4
Chuyển động.

Những phần mềm chuyên dụng của Pixar cho phép những họa sĩ tạo chuyển động trong từng khung hình chính, sau đó máy tính sẽ vẽ các khung hình còn lại. Các họa sĩ của Pixar không cần phải vẽ hay tô màu từng cảnh như trong hoạt hình cổ điển.

Hình 5
Tạo bóng.

Các chương trình máy tính sẽ thể hiện "lớp áo" của từng vật thể trong cảnh bao gồm màu sắc, chất liệu rất đa dạng: từ gỗ, kim loại, nhựa, thủy tinh đến da và tóc ...

Hình 6
Ánh sáng.

Sử dụng những "ánh đèn số hóa", mỗi cảnh được chiếu sáng ở mức độ như trên sân khấu. Ánh sáng được sử dụng để tạo ra các hiệu ứng trạng thái và cảm xúc cho từng cảnh.

Hình 7
Dàn dựng

Chương trình dựng phim RenderMan của Pixar tổng hợp tất cả các dữ liệu hình ảnh về mẫu, chuyển động, tạo bóng và ánh sáng. Cuối cùng là làm trơn các chuyển động bằng cách làm mờ đi. Công việc này do một hệ thống máy tính đồ sộ thực hiện trong vòng 20 giờ. Sau đó, những hình ảnh hoàn chỉnh sẽ được chuyển sang phim nhựa, băng hay đĩa CD.


Sự cạnh tranh luôn tạo tính ganh đua, đặc biệt trên thương trường và Pixar cũng có một đối thủ đáng gờm, đó chính là hãng Dreamworks SKG, chữ cái đầu trong họ ba người sáng lập, đó là Steven Spielberg, Jeffrey Katzenberg và David Geffen. Ra đời vào tháng 10-1994 nhưng mãi đến năm 1998, Dreamworks mới ra mắt bộ phim hoạt hình đầu tiên: "Kiến" - ngay lập tức trở thành đối thủ cạnh tranh của "Đời con bọ", một bộ phim do hãng Pixar trình chiếu vào năm đó. Đến năm 2001, Dreamworks công chiếu bộ phim "Chằng tinh" dù có nội dung châm biếm các nhân vật của Disney từ trước đến nay nhưng với cách thể hiện mới lạ, làm bất ngờ người xem, nên tạo được tiếng vang lớn. "Công ty liên hiệp quái vật" của Disney ra đời sau đó, dù ý tưởng sáng tạo và cuốn hút nhưng vẫn bị đánh giá thấp hơn một bậc. Chẳng những thế, ngày công chiếu "Công ty liên hiệp quái vật", Dreamworks cho phát hành DVD của bộ phim "Chẳng tinh" hòng hạ thấp doanh thu của Pixar/Disney, nhưng rồi cũng không thể ngăn cản "Công ty liên hiệp quái vật" trở thành phim thu được lợi nhuận đứng thứ nhì từ trước đến nay, chỉ sau "Vua Sử Tử". Sự ganh đua giữa hai bộ phim còn tiếp tục ở lễ trao giải Oscar khi cả hai đều được đề cử giải Phim hoạt hình xuất sắc nhất. Lần này, "Chằng tinh" là kẻ chiến thắng, nhưng "Công ty liên hiệp quái vật" cũng không chịu thua kém khi mang về giải Bài hát hay nhất trong phim. Năm 2003, Pixar/Disney nhanh chóng ra đòn trước với "Truy tìm Nemo" vào tháng 5, chỉ hai tháng sau, Dreamworks đáp trả bằng "Sinbad - Huyền thoại về bảy đại dương". Thật ra, phong cách làm phim hoạt hình của Dreamworks và Pixar/Disney có nhiều điểm khác biệt, chẳng hạn "Đời con bọ" và "Kiến" đều nói về kiến nhưng "Đời con bọ" của Pixar/Disney mang những tố chất hướng về gia đình nhiều hơn, trong khi đó "Kiến" của Dreamworks hướng về những khán giả trưởng thành hơn. Sự đối đầu giữa Pixar/Disney và Dreamworks không những thú vị mà nó còn làm ngành hoạt hình ngày càng hoàn thiện.

Khi người ta quyết định lấy hình ảnh "cậu nhóc" Luxo Jr làm biểu tượng cho Pixar, điều đó có ý nghĩa rằng: sự sáng tạo bắt nguồn từ những đồ vật bình thường nhất, và những người đi sau luôn phải giữ đúng hướng đi, đã được vạch sẵn ngay từ thuở sơ khai của Pixar: làm một bộ phim hoạt hình, nội dung là thứ nhất, kĩ thuật là thứ hai. Cho dù những phim như "Công ty liên hiệp quái vật" hay "Câu chuyện đồ chơi" là một cú hích về thương mại, là bước đột phá về kĩ thuật nhưng dấu ấn mạnh mẽ nhất trong lòng người xem vẫn là nội dung mang đậm tính nhân văn, nhân bản.

nguồn từ www.yxine.com


Không có nhận xét nào: